Bánh tẻ hay còn gọi là Bánh lá hoặc Bánh răng bừa là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam. Bánh tẻ được làm từ bột gạo tẻ, gói ngoài bằng lá dong rồi được luộc cho chín. Mỗi địa phương đều có cách làm bánh tẻ riêng của mình.
Một số loại bánh tẻ nổi tiếng hiện nay:
- Bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh)
- Bánh tẻ làng Phú Nhi (phường Phú Thịnh thị xã Sơn Tây, Hà Nội)
- Bánh tẻ ở xã Phụng Công Văn Giang - Hưng Yên
- Bánh lá ở Khoái Châu - Hưng Yên.
- Ở Mỹ Đức - Hà Nội cũng có nơi làm bánh tẻ nhưng ít nổi tiếng hơn.
Nguyên liệu để làm bánh rất đơn giản chỉ gồm gạo tẻ thơm, dẻo. Nhân bánh gồm thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô và được gói bằng lá dong. Tuy nhiên để làm được những chiếc bánh tẻ thơm ngon lại không phải chuyện dễ dàng, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, sự khéo léo trong việc nhào bột và gói bánh
Hướng dẫn cách làm bánh tẻ ngon:
Nguyên liệu làm bánh: (dành cho 10 người ăn)
- Gạo tám: 1kg
- Thịt lợn ba chỉ hoặc nạc vai: 0,8 kg
- Hành củ khô: 2 lạng
- Mộc nhĩ: 2 lạng;
- Lá dong (loại nhỏ): khoảng 60 lá;
- Dây buộc (có thể buộc hoặc không);
Cách thực hiện:
Bước 1. Bột gạo:
Gạo để làm bánh tẻ phải là gạo tẻ quê có hình dáng hạt dài đều, có màu trắng trong thơm mùi gạo mới và đã loại bỏ các hạt mốc và cám ra.
Tiến hành đem gạo ngâm khoảng 3 - 4 tiếng sau đó đem xay với nước vôi trong. Tiếp đến cho lên bếp đun và khuấy đều tay với lửa nhỏ sao cho bột chín khoảng 50%, trong khi khuấy bột bạn cho vào chút muối và mì chính. Đến khi bột đã quánh, quấy thấy nặng tay là được.
Khi bắc bột ra cần dùng máy hoặc tay để đánh nhuyễn lại để bột không bị vón cục. Đây là việc quan trọng nhất quyết định xem chiếc bánh có ngon hay không, nếu bột bị non hoặc già quá bánh đều không đạt chất lượng . Sau đó cho bột lên mâm khoảng 30-40 phút để bột ráo và nguội trước khi làm bánh.
Bước 2. Nhân bánh tẻ:
Nhân bánh tẻ cũng khá giống với bánh giò hoặc bánh dối bao gồm: thịt lợn ba chỉ được thái hạt lựu xào với mỡ, mộc nhĩ đã ngâm nở mềm rồi thái nhỏ xào chín, hành khô thái nhỏ sau đó phi thơm. Cuối cùng cho tất cả vào trộn đều và đảo chín trên chảo, tuỳ khẩu vị của từng người mà cho hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu vào
Bước 3. Gói bánh:
Lá dong sau khi được rửa sạch và hong khô thì được dùng để gói bánh. Bánh tẻ có hình dáng khá nhỏ và dài, do đó mỗi chiếc bánh chỉ cần 1 - 2 thìa bột là đủ, bạn nên dàn bột dọc theo lá dong hình lòng thuyền, tiếp đó cho nhân vào giữa lớp bột. Chú ý gói bánh cho hai đầu bánh thuôn dài, phần giữa của bánh gồ lên để chiếc bánh giống cái răng bừa, gấp lá theo hình sống trâu, vuốt đều vân lá và gập 2 đầu lại.
Bước 4. Luộc bánh:
Bánh tẻ gói xong có thể đem luộc hoặc hấp cách thủy giống. Ước lượng nước xăm xắp, đun sôi. Cho bánh vào đậy kín, đun to lửa để bánh sôi khoảng 20 phút, kiểm tra và ăn thử 1 cái trước khi bắc xuống. Đổ bánh ra để khoảng 5 phút cho ráo nước, ăn ngay hoặc ủ để giữ nhiệt ăn tới đâu lấy ra tới đó.
Bước 5. Nước chấm, gia vị:
Bánh tẻ khi ăn chấm với tương ớt hoặc nước mắm ớt hay tương Bần Hưng Yên tùy khẩu vị và thích của từng người.
Chắc chắn ai từng ăn bánh lá răng bừa (bánh tẻ) sẽ không thể nào quên được vị ngọt của thịt, mùi thơm của hành, cái giòn của mộc nhĩ và sự dẻo thơm của bột bánh....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét